Không có tên trong hộ khẩu vẫn được ghi vào sổ đỏ hộ gia đình

Cục Đăng ký Đất đai cho hay việc ghi tên thành viên gia đình vào sổ đỏ hộ gia đình không có nghĩa ai có tên trong hộ khẩu cũng có quyền lợi.

Sáng 25/11, giải thích về việc từ ngày 5/12 ghi tên các thành viên gia đình trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình, theo Thông tư 33/2017/TT-BTNM, ông Mai Văn Phấn (Cục phó Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết do cần có sự minh bạch và linh hoạt trong công tác quản lý nên Bộ ra quy định nói trên.

“Bản chất không khác những quy định đang áp dụng, nhưng lại giúp khắc phục những tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch nhà đất”, ông nói.

Không phải đổi sổ đỏ cũ

Theo ông Phấn, sổ đỏ cấp trước ngày 5/12 cho hộ gia đình với tên một người đại diện vẫn có giá trị pháp lý. Bởi vậy, người dân “không cần làm lại sổ đỏ mới”.

Theo Thông tư 33/2017, nhà chức trách ghi tên của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình vào sổ đỏ. Những thành viên khác dù cùng hộ khẩu song không có chung quyền sử dụng đất thì không được ghi.

“Việc thay đổi này chỉ áp dụng cho việc cấp sổ đỏ theo hộ gia đình”, ông Phấn nhấn mạnh.

Cục phó Cục Đăng ký Đất đai cho hay việc xác định ai có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình được căn cứ nguồn gốc đất hoặc do các thành viên trong gia đình tự xác định.

Không có tên trong hộ khẩu vẫn được ghi tên vào sổ đỏ hộ gia đình

Cùng với ông Phấn có mặt tại buổi tọa đàm “Làm rõ quy định mới về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức vào sáng 25/11, đại diện của nhiều cơ quan đã giải thích: Theo Luật cư trú, hộ gia đình trong sổ hộ khẩu là các cá nhân trong cùng một gia đình có chung địa chỉ đăng ký thường trú. Điều này không có ý nghĩa xác định về sở hữu tài sản chung như khái niệm “hộ gia đình” trong quan hệ pháp luật dân sự hay “hộ gia đình sử dụng đất” theo quy định của Luật Đất đai.

Theo đó, “hộ gia đình sử dụng đất” là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Thông tư 33/2017 quy định, những người có cùng hộ khẩu và có chung quyền sử dụng đất sẽ được ghi tên trong sổ đỏ cấp cho hộ gia đình sử dụng đất. Bởi vậy không thể mặc định con cùng hộ khẩu thì đương nhiên được ghi tên vào sổ đỏ với bố mẹ.

Ngược lại người không có tên trong sổ hộ khẩu nhưng chung tiền mua đất thì có quyền được ghi. Đây gọi là “đồng sở hữu” theo quy định của Luật Đất đai.

Theo ông Phấn, thông tư 33 không phát sinh thêm thủ tục hành chính như nhiều người bàn luận những ngày qua. Trái lại, nó bảo đảm chặt chẽ về pháp lý, cụ thể hơn về chủ thể có quyền sử dụng đất; làm giảm những rủi ro cho người sử dụng đất; giúp minh bạch về tài sản giữa các thành viên trong hộ gia đình.

Theo luật, khi thực hiện giao dịch nhà đất phải có sự đồng ý của các thành viên có tên trong sổ đỏ. Vì vậy, ông Phấn “khuyến cáo các hộ gia đình nên xác định rõ ràng thành viên nào có chung quyền sử dụng đất” để trách những rắc rối phát sinh.

“Nếu là đất nông nghiệp được nhà nước giao cho hộ gia đình thì tương đối dễ xác định vì tất cả thành viên đều có quyền. Còn các loại đất khác, các thành viên trong gia đình quyết định”, ông nói.

0936.392.788