NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT CÔNG CHỨNG SỬA ĐỔI NĂM 2014

Luật Công chứng sửa đổi bên cạnh các nội dung kế thừa từ Luật Công chứng năm 2006, đã sửa đổi quy định về phạm vi công chứng, theo đó giao lại cho công chứng viên quyền công chứng bản dịch giấy tờ khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu.

Công chứng viên cũng được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản… Đặc biệt, việc chuyển nhượng văn phòng công chứng và chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng là những quy định hoàn toàn mới tại Luật Công chứng sửa đổi lần này.

Thêm việc cho công chứng, thêm lựa chọn cho người dân

Cùng với việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng sửa đổi quy định: “Công chứng viên có quyền chứng nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng”.

Đi kèm với quy định này, Khoản 1 Điều 61 Luật Công chứng sửa đổi quy định rõ: “Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó. Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện”.

Quy định này nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân khi có nhu cầu sử dụng bản dịch có công chứng, tránh việc khi phát hiện sai sót trong bản dịch thì người dân không biết phải tìm ai để yêu cầu bồi thường. Việc quy định rõ cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện cũng là cơ sở để bảo đảm nâng cao trách nhiệm của người phiên dịch trong quá trình này.

Bên cạnh đó, Luật Công chứng sửa đổi đã mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên khi Điều 73 của Luật quy định: “Công chứng viên được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực”.

Quy định này nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này, trong khi Phòng Tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.

Siết chặt hơn điều kiện được miễn đào tạo nghề công chứng

Luật Công chứng sửa đổi xác định rõ hơn tư cách pháp lý của công chứng viên như “công lại” của Nhà nước, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng, chịu sự quản lý đồng thời của Nhà nước và của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên.

Điều 3 Luật Công chứng sửa đổi quy định rõ: “Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội”.

Nếu như theo Luật Công chứng năm 2006, người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư đã hành nghề từ ba năm trở lên có thể được miễn đào tạo nghề công chứng thì nay thời hạn này là 5 năm. Khoản 1 Điều 10 Luật Công chứng sửa đổi quy định những người được miễn đào tạo nghề công chứng bao gồm: Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên; luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;  người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

Bên cạnh việc kéo dài thời gian công tác thực tế của các nhóm đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng (từ 3 năm lên 5 năm), Luật Công chứng sửa đổi cũng bổ sung quy định người được miễn đào tạo phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên. Thời gian bồi dưỡng nghề công chứng là 3 tháng.

Được phép chuyển nhượng văn phòng công chứng

Đặc biệt, trong lần sửa đổi này, Luật Công chứng đã quy định:  “Trong trường hợp không cần thiết duy trì phòng công chứng thì Sở Tư pháp lập đề án chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Chính phủ quy định cụ thể việc chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng” (Khoản 1 Điều 21).

Còn đối với văn phòng công chứng thì Luật Công chứng sửa đổi quy định “phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên”. Quy định này nhằm duy trì hoạt động của văn phòng trong trường hợp công chứng viên trưởng văn phòng ốm đau, bị tai nạn hoặc vì các lý do cá nhân khác mà không thể hành nghề công chứng trong một thời gian nhất định như thực tế đã từng xảy ra.

Đáng chú ý, Điều 29 Luật Công chứng sửa đổi quy định văn phòng công chứng được chuyển nhượng cho các công chứng viên khác khi: Công chứng viên nhận chuyển nhượng văn phòng công chứng đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên đối với người dự kiến sẽ tiếp quản vị trí trưởng văn phòng công chứng; cam kết hành nghề tại văn phòng công chứng mà mình nhận chuyển nhượng; cam kết kế thừa quyền và nghĩa vụ của văn phòng công chứng được chuyển nhượng.

Tuy nhiên, điều luật cũng quy định công chứng viên đã chuyển nhượng văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng.  Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục chuyển nhượng văn phòng công chứng.

Ngoài những quy định trên, Luật Công chứng sửa đổi cũng bổ sung nhiều quy định về nguyên tắc hành nghề công chứng, giá trị pháp lý của văn bản công chứng, các hành vi bị nghiêm cấm, tiêu chuẩn công chứng viên, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm lại công chứng viên, quyền và nghĩa vụ của công chứng viên…

Luật Công chứng sửa đổi (sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015), được tin tưởng là sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế. l.p

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. (Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng sửa đổi)

Theo baophapluat.vn

Để lại một bình luận

0936.392.788